Home » Tin tức pháp luật » Nỗi bức xúc của các bác sĩ Bệnh viện Phú Yên

Nỗi bức xúc của các bác sĩ Bệnh viện Phú Yên

Lãnh đạo và y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Phú Yên đều không đồng tình việc một bác sĩ, một điều dưỡng của BVĐK Phú Yên bị yêu cầu đưa tiêm kim vào tĩnh mạch tử tù để thi hành án tử hình.

Mặc dù đã nhiều ngày sau khi đưa kim tiêm vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình bằng thuốc độc, bác sĩ L.C.T và điều dưỡng N.N.T của Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc BVĐK Phú Yên vẫn còn bàng hoàng vì lần đầu tiên trong đời họ phải thực hiện một nhiệm vụ trái với chức năng, đạo đức nghề nghiệp.

<br />
Bác sĩ điều trị ở bệnh viện được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh cứu người. Ảnh: Trần minh

Bác sĩ điều trị ở bệnh viện được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh cứu người. Ảnh: Trần minh

Tại cuộc họp toàn cơ quan mới đây, các y bác sĩ BVĐK Phú Yên đã không đồng tình việc Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên yêu cầu bác sĩ tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Theo họ, luật chưa nói rõ nhiệm vụ của bác sĩ trong việc thi hành án tử hình nên việc một bác sĩ của bệnh viện bị buộc phải làm việc này là chưa ổn.

Trước đó, chiều 9/12, bác sĩ L.C.T và điều dưỡng N.N.T nhận lệnh từ Phòng Tổ chức BVĐK Phú Yên đi Đăk Lăk để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác thi hành án. Bệnh viện chuẩn bị sẵn dụng cụ cấp cứu, thuốc men để thực hiện nhiệm vụ. Đến Đăk Lăk, một số cán bộ trong Hội đồng thi hành án cho biết nhiệm vụ của bác sĩ là xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người tử tù. Trong khi đó, trong giấy công tác cũng như suốt quá trình đi trên đường, không ai nói nhiệm vụ của họ là gì nên họ chỉ nghĩ mình làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho đoàn. Khi nghe phân công nhiệm vụ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù, bác sĩ T. tỏ ra bàng hoàng, từ chối. Sáng 11/12, khi tiến hành thi hành án tử hình đối với phạm nhân, bác sĩ T. tiếp tục từ chối việc xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm. Sau đó Hội đồng Thi hành án yêu cầu bác sĩ T. hỗ trợ cho điều dưỡng T. đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù. Được biết, bác sĩ T. chỉ vừa mới nhận công tác tại BVĐK Phú Yên được 4 tháng.

<br />
Nhiệm vụ của bác sĩ là khám chữa bệnh cứu người chứ không phải là thi hành án. Ảnh: TM

Nhiệm vụ của bác sĩ là khám chữa bệnh cứu người chứ không phải là thi hành án. Ảnh: TM

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK Phú Yên, nói: “Ngày 9/12, Sở Y tế tỉnh Phú Yên có công văn yêu cầu BVĐK Phú Yên cử một bác sĩ, một điều dưỡng (nam giới) làm nhiệm vụ tham gia đoàn thi hành án của TAND tỉnh. Công văn không nói rõ họ đi theo làm nhiệm vụ gì nên giám đốc bệnh viện nghĩ cử bác sĩ đi để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác hay cấp cứu ở vòng ngoài khi có sự cố. “Nếu biết trước việc buộc đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù, lãnh đạo bệnh viện đã báo cáo ngay cho Sở Y tế đề nghị xin ý kiến tỉnh”, ông Trúc khẳng định.

Theo bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế, trong công văn gửi Sở Y tế đề nghị cử bác sĩ tham gia đoàn công tác đi Đăk Lăk thi hành án tử hình phạm nhân, TAND tỉnh không nói để làm nhiệm vụ gì. “Họ chỉ nói cử bác sĩ theo quy định chứ không nói để làm gì nên chúng tôi cũng không biết. Tôi đã đề nghị cử bác sĩ pháp y tham gia với đoàn nhưng TAND tỉnh không đồng ý”.

Trước chuyện các bác sĩ bức xúc vì sao không nói rõ nhiệm vụ khi yêu cầu cử bác sĩ tham gia thi hành án tử hình bằng thuốc độc, đại diện Hội đồng thi hành án tử hình TAND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Phi Đô cho rằng: Đây là vụ thi hành án tử hình bằng thuốc độc đầu tiên của tỉnh Phú Yên, được thực hiện tại Nhà thi hành án số 5 (tỉnh Đăk Lăk). Các y, bác sĩ của BVĐK tỉnh Phú Yên đi cùng để xác định tĩnh mạch, tiêm kim vào tĩnh mạch rồi để đó. Việc nối ống thuốc độc vào kim tiêm cũng như bấm nút để bơm thuốc độc vào phạm nhân do đội thi hành án thực hiện.

Việc bác sĩ bệnh viện tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 05-2013 giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Tuy nhiên, tại điều 9 của thông tư này nêu rõ, bác sĩ do Sở Y tế cử tham gia đoàn thi hành án chỉ để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết, không yêu cầu tự tay tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để hội đồng tiến hành thi hành án tử hình bằng thuốc độc.

Ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết, đang chỉ đạo các bộ phận chức năng của bệnh viện rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định việc y, bác sĩ của bệnh viện tham gia Hội đồng Thi hành án tử hình để báo cáo lên Sở Y tế Phú Yên vào tuần tới, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ quy định nào buộc bác sĩ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù bị thi hành án. Ông Trúc khẳng định: “Nếu việc này không đúng với quy định, lần sau chúng tôi sẽ không cử cán bộ tham gia”.

Thu Dương

Chúng tôi có ý kiến

ThS. Phạm Thành Tài – Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: “Nhiệm vụ xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc đối với tử tù là công việc của cán bộ chuyên môn thuộc cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh hoặc cấp quân khu”

Nỗi bức xúc của các bác sĩ Bệnh viện Phú Yên

Theo quy định của Pháp luật, cụ thể tại Khoản 4, Điều 59, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Nghị định 82/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án hình sự, Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 6/6/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, TAND tối cao, Viện KSND tối cao hướng dẫn về thi hành án tử hình bằng thuốc độc đều xác định: Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh có trách nhiệm lập đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm đội trưởng và các tổ; áp giải, xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc. Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc ngày 16/9/2011 quy định về trách nhiệm của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an và trách nhiệm của Bộ Y tế như sau: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an phối hợp với cơ quan y tế tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong lực lượng công an nhân dân.

Như vậy, nhiệm vụ xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc đối với tử tù là công việc của cán bộ chuyên môn thuộc cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh hoặc cấp quân khu, không phải nhiệm vụ của cán bộ y tế thuộc Sở Y tế nơi hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định.

Việc cử bác sĩ đi mà không nói rõ cho đội ngũ bác sĩ biết về mục đích tham gia vào việc thi hành án tiêm thuốc độc tử hình không những trái với quy định của pháp luật mà còn không phù hợp với các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp của những y, bác sĩ trong hoạt động khám chữa bệnh.

BS. Nguyễn Quang Hiếu – Khoa Hóa Sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội: “… Gây tâm lý hoang mang cho bác sĩ trẻ”

Nỗi bức xúc của các bác sĩ Bệnh viện Phú Yên

Việc tử hình một phạm nhân không có gì sai vì họ phải trả giá cho tội ác của họ gây ra. Dù có phạm tội nhưng phạm nhân cũng là con người, mà nghề y là nghề cứu người, nếu để việc xử tử hình một phạm nhân lại do những người bác sĩ trẻ như chúng tôi mới ra nghề thực hiện thì gây tâm lý hoang mang cho chúng tôi, trong khi chúng tôi đào tạo ra không để làm việc đó.

ThS. Nguyễn Thanh Hòa – Khoa Tiết niệu, BVĐK Tràng An: “Phải có lực lượng riêng”

Về nhiệm vụ công tác, việc cử cán bộ đi để lấy tĩnh mạch để tử hình một phạm nhân hoàn toàn không có gì sai. Tuy nhiên, đưa bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế đi làm việc này về đạo đức nghề y là không nên, vì nghề y được đào tạo ra là để cứu người. Vì thế, để thực hiện việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc cần tuyển lực lượng riêng, không nên đưa các y, bác sĩ điều trị ở các bệnh viện làm việc này vì nó hoàn toàn không tốt cho tâm lý, đạo đức nghề nghiệp của các y bác sĩ.

TS-CT

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Vinhomes Dragon Bay Hạ Long, Shophouse Phú Gia, Shophouse Hoàng Gia, Shophouse Mỹ Gia