Home » Tin tức pháp luật » Hành trình 10 năm theo kiện của nhạc sĩ Xuân Giao

Hành trình 10 năm theo kiện của nhạc sĩ Xuân Giao

Gần 10 năm đệ đơn kiện, qua nhiều phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, nhạc sĩ Xuân Giao vẫn chưa thể tìm về được mảnh đất hương hỏa của ông cha. Trong khi đó, sức khỏe tác giả ca khúc “Cô gái mở đường” ngày một yếu sau nhiều lần đột quỵ.

Trong lá đơn gửi tới VnExpress, nhạc sĩ Xuân Giao (tên thật Trương Xuân Giao) khiếu nại bản án do thẩm phán Trần Hoàng Lâm (TAND huyện Văn Lâm, Hưng Yên) xét xử ngày 25/9/2012. Theo nhạc sĩ 80 tuổi, bản án tuyên bác đơn kiện đã đẩy ông và gia đình vào tình cảnh mất quê hương, bản quán, không còn nơi đi về thờ cúng tổ tiên ông bà tại thôn Như Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm).

Hiện, sức khỏe của nhạc sĩ Xuân Giao ngày càng yếu. Nhạc sĩ của những ca khúc nổi tiếng như Cô gái mở đường, Bài ca biên giới, Em mơ gặp Bác Hồ… đã 3 lần đột quỵ, một lần mổ túi mật. Trên gác hai căn nhà nằm sâu trong ngõ, người bạn thân thiết của ông bây giờ là chiếc radio và những chiếc đĩa thu âm các bài hát cách mạng.

a

Tấm ảnh nhạc sĩ Xuân Giao chụp năm 2006, sau hai lần đột quỵ. Từ đó tới nay, nhạc sĩ già còn chịu thêm một lần đột quỵ và phải mổ túi mật.

Anh Trương Xuân Hoàng, con trai cả của nhạc sĩ cho biết, việc đưa anh em ra tòa khiến nhạc sĩ rất đau buồn. Các anh em của nhạc sĩ đều chỉ mong dựng một khu nhà trên mảnh đất di sản để thờ cúng, nhớ về cuội nguồn tổ tiên. Ai cũng đau xót vì cảnh “mất quê” trong khi mảnh đất hương hỏa của gia đình, dòng họ lại bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm hàng chục năm nay.

“Thực ra, việc hòa giải đã tiến hành trong gia đình từ những năm 1990 nhưng không được. Cực chẳng đã, năm 2004 mới phải ra tòa”, anh Hoàng nói.

Gần 10 năm qua, nhạc sĩ Xuân Giao là nguyên đơn trong vụ án chia thừa kế quyền sử dụng đất của ông cha để lại tại thị trấn Như Quỳnh. Theo nhạc sĩ và các thành viên trong gia đình, cụ Trương Xuân Bưu (thân sinh của nhạc sĩ) làm nghề dạy học, sinh ra và lớn lên ở Như Quỳnh. Cụ Bưu có hai người vợ, bà cả là Trương Thị Như chỉ sinh được một con trai là ông Trương Xuân Lệ; bà hai là Ngô Thị Hải sinh được 10 người con trong đó có con trai cả là nhạc sĩ Xuân Giao.

Khi qua đời (năm 1946), cụ Bưu để lại hai mảnh đất vườn ở Như Quỳnh là vườn trong và vườn ngoài. Vườn trong rộng 1.280 m2 có nhà, bếp vốn là nơi sinh sống của cả gia đình thống nhất của cụ Bưu cùng hai người vợ và 11 người con. Vườn ngoài rộng 605 m2 gồm toàn đất trồng cây ăn quả. Giữa vườn trong và vườn ngoài cách nhau một lối đi chung của làng. Hai người vợ của cụ Bưu, lần lượt cụ Hải mất năm 1977 và cụ Như mất năm 1980. Cả ba cụ đều không để lại di chúc. Các con cháu của ba cụ đều công tác xa nên nhờ người trong họ trông nom hộ hai mảnh đất trên.

“Những năm 1990, một số người trong gia đình anh cả Trương Xuân Lệ chiếm mảnh đất trên làm của riêng, đi làm thủ tục sở hữu mảnh đất cho riêng mình. Tôi đành thay mặt các em viết đơn kiện ra tòa, cực chẳng đã qua tuổi 80 vẫn là nguyên đơn của vụ tranh chấp mảnh đất hương hỏa”, lá đơn viết.

Qua 3 bản án trước đây, trong đó có 2 bản án sơ thẩm của TAND huyện Văn Lâm, một bản phúc thẩm của TAND tỉnh Hưng Yên đều xác định nguồn gốc mảnh đất là của cha mẹ nhạc sĩ Xuân Giao để lại và chia đều cho 10 anh chị em. Chẳng hạn, ngày 2/6/2004, TAND huyện Văn Lâm mở phiên tòa sơ thẩm, khẳng định mảnh đất trên là tài sản thuộc sở hữu chung của cụ Bưu và hai người vợ. Vì cả ba cụ mất mà không để lại di chúc nên mảnh đất trên phải được chia đều cho 10 người con.

Ông Lệ có đơn kháng cáo. Ngày 18/1/2005, TAND tỉnh Hưng Yên đã xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm chỉ cải sửa phần án phí dân sự đối với bên nguyên đơn. Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, gia đình ông Lệ tiếp tục kháng án khiến vụ kiện kéo dài, hồ sơ vụ kiện hai lần bị hủy để điều tra lại.

a

Mảnh đất hương hỏa bị quây tường, bỏ hoang hàng chục năm. Ảnh:Nguyễn Hưng.

Theo luật sư Phạm Thành Tài, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình nhạc sĩ Xuân Giao, vụ việc có nhiều khuất tất và nhìn thấy được qua nhiều giai đoạn. Trong đó có những dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ. “Vụ án đã qua 3 cấp sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm. Trong quá trình xử án, bị đơn từng thừa nhận về nguồn gốc đất nhưng đến lần xử sơ thẩm ngày 25/9 thì quay ngoắt 180 độ gây khó hiểu cho người tham gia”, luật sư Tài nói.

Vị luật sư cũng chỉ ra nhiều điều khó hiểu tại phiên xử sơ thẩm vừa rồi như tòa xét xử căn cứ vào một tài liệu không có giá trị là “sổ mục kê” đất thổ canh, thổ cư và phủ nhận tất cả lời khai, chứng cứ trước đó. Trong khi đó, các phiên tòa trước không công nhận chứng cứ này, coi là không có giá trị vì “chỉ do một cá nhân cung cấp chứ không phải do cơ quan có thẩm quyền nào đưa ra”.

Liên quan tới giấy nhượng vườn ngày 16/10/1983 (chứng cứ được bên nguyên cho là rất quan trọng) được bản án kết luận không thể xem là chứng cứ chứng minh thửa đất là di sản thừa kế, luật sư Tài cho rằng, “lập luận của tòa không có căn cứ”. Việc cả 3 anh em trai Trương Xuân Lệ, Trương Xuân Giao và Trương Ngọc Liên cùng thống nhất viết giấy ký tên bán mảnh đất vườn ngoài và chia đều số tiền bán được cho 10 anh em (trừ một người là liệt sĩ, không có vợ con) chứng tỏ khối di sản có hai mảnh đất và cùng sở hữu.

“Hai bên cùng nhau ký kết, định đoạt một phần của khối tài sản. Tức là đã khẳng định ý chí cùng định đoạt, quyền lợi được chia đều như nhau. Nếu không phải là tài sản chung thì việc gì phải định đoạt?”, luật sư Tài nói.

Chưa kể bản án ngày 25/9 còn trích dẫn căn cứ trái luật tại trang 11 khi cho rằng, “biên bản lấy lời khai ngày 3/4/2003 của TAND huyện Văn Lâm được lập ngoài trụ sở tòa án nhưng không thể hiện có người làm chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nên việc lấy lời khai chưa đảm bảo tính khách quan và quyền lợi của đương sự, không đúng theo quy định tại khoản 2 điều 86 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Luật sư Tài khẳng định, việc trích dẫn này là sai bởi luật thời điểm lấy lời khai vào năm 2003, còn căn cứ áp dụng trong bản án lại theo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) năm 2004, chỉ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2005.

“Bản án như một bản luận cứ của luật sư bảo vệ bị đơn”, luật sư Tài nói.

Trao đổi với VnExpress, thẩm phán Trần Hoàng Lâm cho biết, việc tòa bác đơn kiện không có nghĩa là công nhận cho bên kia. “Bác đơn là khi bên nguyên không đủ điều kiện khởi kiện. Còn khi nào người ta đủ điều kiện người ta lại khởi kiện”, ông Lâm nói.

Theo thẩm phán này, vụ án của gia đình nhạc sĩ Xuân Giao là vụ án “phức tạp”, nguồn gốc đất có liên quan tới thời kỳ cải cách ruộng đất của thế kỷ trước. Nguyên đơn yêu cầu di sản thừa kế là quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ trước 1960, song các căn cứ đưa ra “chưa đủ để chứng minh” về quyền thừa kế tài sản.

Vị thẩm phán cũng cho biết thêm, bên bị đơn cũng tạo ra rất nhiều khó khăn cho việc tác nghiệp (của cán bộ tòa) như phải trưng cầu giám định, khiếu nại trưng cầu giám định khiến quá trình tố tụng bị kéo dài…

“Án được xử công khai, minh bạch. Toàn bộ nội dung thể hiện trong bản án và thẩm quyền của tôi cũng đã hết. Vụ kiện đã chuyển lên TAND tỉnh. Tôi nhấn mạnh là, bác đơn bên này không phải là công nhận bên kia”, ông Lâm nói.

Giữa tháng 11, gia đình nhạc sĩ Xuân Giao và các anh em nhận được thông báo của TAND tỉnh Hưng Yên về việc thụ lý vụ án. Theo luật định, phiên phúc thẩm lần thứ ba của vụ kiện sẽ diễn ra trong vòng 4 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. “Giờ đây tôi và các anh em trong họ chỉ mong một lần được đưa bố mẹ về thắp hương trên mảnh đất các cụ từng sinh ra”, anh Trương Xuân Hoàng nói.

Nguyễn Hưng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Vinhomes Dragon Bay Hạ Long, Shophouse Phú Gia, Shophouse Hoàng Gia, Shophouse Mỹ Gia